Trường Đại học Luật, Đại học Huế tham gia tọa đàm góp ý sửa đổi Luật Giáo dục đại học
Ngày cập nhật: 10-07-2025Chiều ngày 10/7, Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức tọa đàm “Góp ý sửa đổi Luật Giáo dục đại học” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, thu hút sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục trong cả nước. Trường Đại học Luật, Đại học Huế tham gia trực tuyến với sự góp mặt của PGS.TS. Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS.TS. Nguyễn Duy Phương, Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực xoay quanh nội dung giữ hay bỏ mô hình Hội đồng Trường tại các trường đại học thành viên.
Tọa đàm được tổ chức nhằm lấy ý kiến rộng rãi trước đề xuất trong dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) về việc bỏ Hội đồng Trường ở các trường đại học thành viên thuộc các Đại học Quốc gia, Đại học vùng.
Phát biểu khai mạc toạ đàm, ông Đinh Đức Thọ, Phó Tổng biên tập, Báo Pháp luật TP.HCM cho hay tại Việt Nam, các ĐH Quốc gia và ĐH Vùng đang áp dụng mô hình quản trị hai cấp, gồm Hội đồng ĐH ở cấp toàn hệ thống và Hội đồng trường ở từng trường thành viên. “Chúng tôi kỳ vọng thông qua các tham luận, phản biện và ý kiến từ các chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo các trường đại học, diễn đàn này sẽ góp phần làm sáng tỏ những vướng mắc về lý luận và thực tiễn xoay quanh mô hình Hội đồng trường hai cấp, sẽ góp phần trả lời được câu hỏi: Nên giữ hay bỏ hội đồng trường hai cấp?
Đồng thời, chúng tôi mong muốn những góc nhìn đa chiều, những kiến nghị xuất phát từ thực tiễn sẽ được tổng hợp, kết nối và chuyển tải đến các cơ quan hoạch định chính sách. Qua đó, cùng chung tay xây dựng một hệ thống giáo dục đại học hiện đại, tự chủ thực chất, quản trị hiệu quả và hội nhập sâu rộng, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong giai đoạn mới” - ông Đinh Đức Thọ nhấn mạnh.
Tại toạ đàm, nhiều chuyên gia cho rằng, việc duy trì mô hình Hội đồng Trường là cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế. Hội đồng Trường là thiết chế quản trị quan trọng, bảo đảm quyền tự chủ trong chiến lược phát triển, tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính của từng trường thành viên, góp phần tạo nên sự năng động và hiệu quả trong quản trị giáo dục đại học.
Phát biểu tại tọa đàm, đại diện các trường đại học thành viên trong Đại học Quốc gia TP.HCM đều khẳng định vai trò thiết yếu của Hội đồng Trường trong việc bảo vệ tính tự chủ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Từ điểm cầu trực tuyến, Trường Đại học Luật, Đại học Huế gồm PGS.TS. Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS.TS. Nguyễn Duy Phương, Phó Hiệu trưởng cùng một số cán bộ quản lý đã theo dõi và tiếp nhận những ý kiến từ các chuyên gia, đồng thời thể hiện quan điểm đồng thuận với chủ trương tiếp tục duy trì Hội đồng Trường tại các trường thành viên như một thiết chế pháp lý độc lập, có vai trò quan trọng trong quản trị đại học.
Các đại biểu tại tọa đàm cũng kiến nghị cần làm rõ mối quan hệ giữa Hội đồng Trường và Hội đồng Đại học, tránh chồng chéo, đồng thời khuyến nghị tham khảo mô hình quản trị của các đại học tiên tiến trên thế giới như Australia, Vương quốc Anh để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Việc Trường Đại học Luật, Đại học Huế tích cực tham gia tọa đàm trực tuyến thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong góp ý chính sách, đồng thời khẳng định vai trò chủ động của Nhà trường trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục đại học, lĩnh vực có ảnh hưởng trực tiếp đến định hướng phát triển và tự chủ đại học hiện nay.